Sinh viên ngành Tham vấn học đường tại Trường ĐH Văn Lang.Sinh viên ngành Tham vấn học đường tại Trường ĐH Văn Lang.

“Khát” nhân lực

Theo TS Hoàng Gia Trang - Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội): Xã hội càng phát triển, càng đặt ra những vấn đề phức tạp về mối quan hệ giữa con người với con người. Trong lĩnh vực giáo dục, cần quan tâm đến mối quan hệ giữa học sinh với nhau; giáo viên với học sinh và các chủ thể liên quan khác. 

Trong thời gian qua, vấn đề bạo lực học đường xảy ra ở một số nơi, một bộ phận giáo viên có hành vi ứng xử với học sinh thiếu chuẩn mực; phụ huynh hành hung giáo viên… Thực trạng trên đòi hỏi sự trợ giúp của các chuyên viên TVHĐ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các trường phổ thông đang “khát” nhân lực ở lĩnh vực này.

TS Hoàng Gia Trang viện dẫn: Theo Thông tư 31/2017/TT-BGDĐT ngày 18/12/2017 của Bộ GD&ĐT đặt ra yêu cầu các trường từ tiểu học, đến THPT cần có phòng, tổ tư vấn tâm lí. Do đó, nhu cầu nhân lực về TVHĐ là rất lớn. Hiện nay, nhiều trường dân lập và quốc tế có bộ phận TVHĐ để trợ giúp cả học sinh, cha mẹ học sinh và giáo viên. 

“Theo số liệu của Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác HSSV – Bộ GD&ĐT, khoảng 70.000 giáo viên cần được tham gia bồi dưỡng kiến thức về tư vấn tâm lí. Còn theo tính toán của chúng tôi, nếu cứ 3 trường phổ thông có 1 chuyên viên tham vấn chuyên nghiệp, chúng ta cần khoảng 10.000 người cho 30.000 trường phổ thông trên cả nước” – TS Hoàng Gia Trang dẫn giải.

Cho rằng, TVHĐ là một chuyên ngành còn rất mới đối với nước ta, TS Hoàng Gia Trang chia sẻ: Hiện nay, mới chỉ có Trường ĐH Giáo dục được ĐH Quốc gia Hà Nội cho phép đào tạo chuyên ngành này ở trình độ cử nhân và thạc sĩ. Sinh viên sẽ được trang bị kĩ năng nghề nghiệp như: Nhận diện các khó khăn tâm lí của học sinh, sử dụng công cụ đánh giá, phân tích vấn đề; rèn luyện các kĩ năng tham vấn hỗ trợ giải quyết vấn đề; xây dựng kế hoạch hỗ trợ người học, cha mẹ học sinh, giáo viên, nhà trường; xây dựng chương trình dự phòng ở trường học...

Ảnh minh họa/ INT

Cơ hội việc làm rộng mở

Về cơ hội việc làm, TS Hoàng Gia Trang cho hay: Sinh viên chuyên ngành TVHĐ có nhiều cơ hội để làm việc tại các trường phổ thông sau khi ra trường. Như đã nói ở trên, nhiều trường thành lập phòng TVHĐ nhưng chưa có người chuyên trách. Các trường nước ngoài hoạt động ở Việt Nam đều có nhu cầu tuyển dụng chuyên viên TVHĐ. 

Ngoài ra, các tổ chức, trung tâm hoạt động trong lĩnh vực giáo dục cũng tuyển dụng nhân viên tham vấn. Do đó, khi sinh viên tích cực học tập và rèn luyện tốt các kĩ năng nghề nghiệp, cơ hội việc làm rất rộng mở. Nếu học xong thạc sĩ thì có thể thành lập trung tâm tham vấn, tham gia hoạt động nghiên cứu về lĩnh vực này.

TS Hoàng Trung Học – chuyên gia tâm lý học đường, Trưởng khoa Giáo dục (Học viện Quản lý Giáo dục) chia sẻ: Các nghiên cứu trên thế giới chỉ rõ, để bảo đảm hỗ trợ tốt cho thầy - trò trong các nhà trường, cứ 300 học sinh, cần 1 chuyên gia tâm lý học trường học. Như vậy, nhân lực tâm lý học trường học, nhất là các chuyên gia được học chuyên sâu về Tâm lý học lâm sàng làm nhiệm vụ đánh giá, trị liệu tâm lý học đường còn rất hạn chế.

“Là người được đào tạo về lĩnh vực TVHĐ và công tác trong ngành Giáo dục, chúng tôi thực sự mong chờ những cơ chế phù hợp, để các chuyên gia tâm lý học đường có thể phát huy tốt nhất vai trò, nghiệp vụ của mình trong hệ thống giáo dục, góp phần hỗ trợ thành công thầy - trò trong việc triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông mới” - TS Hoàng Trung Học nhấn mạnh.

Theo TS Hoàng Trung Học, về bản chất, đổi mới chương trình giáo dục là đổi mới cách tiếp cận giáo dục, từ tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực. Trong cách tiếp cận năng lực, từ chương trình, sách giáo khoa, tổ chức các hoạt động dạy học cần có sự thay đổi căn bản, trong đó những hỗ trợ tâm lý. 

Trong Chương trình giáo dục phổ thông mới, vấn đề bảo đảm sức khỏe tâm thần cho học sinh và sự phát triển hài hòa trong đời sống tinh thần của các em được nhấn mạnh trong một số hoạt động giáo dục cũng như nội dung chương trình giảng dạy, đặc biệt là trong hoạt động giáo dục trải nghiệm, kỹ năng sống.

Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, để giải quyết được một khối lượng công việc lớn mang tính chuyên môn sâu này, các giáo viên trong nhà trường hiện tại khó đảm nhận được vì đang quá tải với các nhiệm vụ, và do tính chất phức tạp của công việc hỗ trợ tâm lý. Do đó, rất cần một lực lượng chuyên gia tâm lý chuyên nghiệp làm công tác tư vấn và hỗ trợ các thầy/cô trong nhà trường. Vì vậy, việc đào tạo chuyên gia tâm lý học trường học làm công tác hỗ trợ, tham vấn tâm lý và giáo dục kỹ năng sống là cần thiết, đón đầu xu hướng phát triển của đổi mới giáo dục.

Sau khi tốt nghiệp, người học có thể là tư vấn viên trong lĩnh vực TVHĐ, đảm nhiệm các vị trí: Chuyên viên TVHĐ chuyên trách tại cơ sở giáo dục; Cán bộ hỗ trợ giảng dạy và nghiên cứu khoa học về các lĩnh vực TVHĐ; Chuyên viên phụ trách công tác TVHĐ; Cán bộ phụ trách các hoạt động liên quan đến phát triển hệ thống TVHĐ: Trong các đoàn thể, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức phi chính phủ, cơ sở dịch vụ tâm lý giáo dục… - GS.TS Nguyễn Quý Thanh – Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội)